Hoa Cúc thật gần gũi và thân quen . Hoa Cúc có những màu sắc rất riêng, rất đẹp, rất phổ biến và cao hơn là nét đẹp thanh cao và tính nhân văn sâu sắc. Cúc có hàng trăm loại khác nhau và loại nào cũng đẹp. Từ xa xưa ông cha ta đã nói và cảm hứng nhiều về loài hoa Cúc, đã biết nhiều về công dụng của cúc. Cúc biểu tượng của sự trường thọ, thường dùng để chúc thọ, chúc người già. Vì thế có loài Cúc mang tên Cúc Vạn thọ. Hoa Cúc có thể dùng làm thuốc và pha trà, có loại trà hoa Cúc rất thơm, có thể thả vài bông vào ấm chè mạn, thanh nhiệt giải độc. Uống trà bình thơ, đàm đạo, thì tuyệt.
Tên khoa học:
Cúc hoa trắng (Chrysanthemum sinense Sabine).
Cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.).
Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae).
Tên gọi khác:
– Cam cúc hoa, bạch cúc hoa, cúc hoa trắng. (Cúc trắng)
– Kim cúc, cúc điểm vàng, hoàng cúc. (Cúc vàng)
Mô tả cây:
Cây cúc hoa trắng là cây sống hai năm hay sống dai, thân mọc thẳng đứng, có thể cao 0,5-l,4m, toàn thân có lông trắng mềm. Lá mọc so le, cuống dài l-2,5cm, có lông trắng, phiến lá hình trứng hay hơi thuôn hai đầu tù, dài 3,5-5cm, rộng 3-4cm, chia (hành 3-5 thuỳ mép có răng cưa và lượn sóng, mặt dưới nhiều lông màu trắng mốc. Cụm hoa hình đầu, màu trắng hay hơi tía ở phía ngoài, vàng ở giữa, mọc ở đầu cành hay kẽ lá.
Cây cúc hoa vàng là cây mọc thẳng đứng cao chừng 90cm. Phiến lá hình 3 cạnh tròn, thuỳ xẻ sâu. Cụm hoa hình cầu, đường kính nhỏ hơn loài hoa cúc nói trên, thường chỉ độ từ 1 – 1,5cm, có loại đạt 5cm. Hoa trong và ngoài đều màu vàng.
Cúc hoa là loài cúc được trồng làm cảnh. Ở nước ta có khoảng 60 loại cúc; tuy nhiên, hai loài trên tương đối phổ biến, hoa nở vào mùa thu, đẹp, thơm, dùng chữa bệnh. Cúc hoa vàng có nguồn gốc vùng Đông Á, thường được trồng và thu hái làm thuốc nhiều hơn các loài cúc khác.
Thành phần hoạt chất:
Trong cúc hoa có các chất ađenin, cholin, stachyđrin, vitamin A và tinh dầu. sắc tố của hoa là cryzamemin (chrysanthemin) C21H20O14. Khi thuỷ phân sẽ được glucoa và xyanidin (cyani- din) C15H11O6.
Bộ phận dùng: hoa
Tác dụng dược lý:
Cúc hoa có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải cảm, giáng hỏa, mát gan, làm sáng mắt.
Hoa cúc thường được dùng để chữa các chứng do phong nhiệt như chóng mặt, nhức đầu, đau mắt, chảy nước mắt, đinh nhọt, sang lở.
Hoa cúc còn rất tốt cho những người bị các chứng mất ngủ, người nóng bứt rứt khó chịu, tinh thần bị căng thẳng, tính tình nóng nảy, dễ cáu gắt, khó tập trung…
Theo các nghiên cứu hiện đại, hoa cúc có thể giúp kháng khuẩn, kháng siêu vi gây cảm cúm, làm giãn mạch máu, hạ huyết áp, giảm mỡ trong máu, làm dịu căng thẳng thần kinh và giúp ngủ ngon.
Một số bài thuốc sử dụng Cúc hoa:
1. Tán nhiệt, giải biểu:
+ Tang cúc câu liên gia giảm: Cúc hoa 12g, tang diệp 8g, câu đằng 8g, liên kiều 12g, cát cánh 8g, cam thảo 4g, xa tiền thảo 12g. Sắc thuốc. Dùng cho các chứng phong ôn mới phát, hơi lạnh phát sốt, đầu đau, mắt mờ, hoặc mắt đỏ đau.
+ Cúc hoa 5g, cúc tần 20g, địa liền 5g, lá tre 20g, bạc hà 20g, kinh giới 20g, tía tô 20g, cát căn 20g. Nghiền chung thành bột mịn hay làm viên. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần uống 4 – 6g. Chữa cảm sốt.
2. Mát gan, sáng mắt:
Chữa chứng phong nhiệt ở kinh can, mắt đỏ sưng đau, đầu váng mắt mờ. Có thể phối hợp với thuốc tư âm để trị can thận suy nhược, đầu váng mắt mờ, nhìn không rõ.
+ Bột cúc hoa: Cúc hoa 12g, bạch tật lê 12g, khương hoạt 2g, mộc tặc thảo 12g, thuyền thoái 3g. Sắc uống.
+ Kỷ cúc địa hoàng hoàn: Thục địa 20g, sơn dược 16g, phục linh 12g, trạch tả 12g, đơn bì 12g, sơn thù du 12g, cúc hoa 12g, kỷ tử 12g. Làm thành hoàn. Ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 20 – 30g.
3. Giải độc, trị nhọt:
Dùng cho các bệnh mụn nhọt, đầu đinh, sưng nóng đỏ đau.
+ Bạch cúc hoa 250g, cam thảo 20g. Sắc uống.
+ Cúc hoa 12g, sinh địa 20g, thạch cao 20g, thảo quyết minh 20g, câu đằng 16g. Nếu mắt đỏ thêm long đởm thảo 8g, nếu khò khè do ứ đọng dịch thêm trúc lịch 30g; lưỡi đỏ, miệng khô thêm mạch môn 12g, thiên hoa phấn 8g. Sắc uống. Chữa co giật hôn mê do sốt cao thời kỳ toàn phát hội chứng nhiễm độc não, viêm não, viêm màng não.
4. Các bệnh khác:
+ Cháo hoa cúc: Cúc hoa 15g, gạo tẻ 100g. Cúc hoa tán mịn, gạo tẻ nấu cháo. Khi cháo được cho bột mịn cúc hoa khuấy đều cho sôi, thêm chút đường, cho ăn sáng và tối. Dùng cho các trường hợp tăng huyết áp, liệt nửa người, đau đầu chóng mặt (trúng phong, huyễn vững).
+ Nước sắc cúc hoa, huyền sâm, mạch đông: Cúc hoa 10g, huyền sâm 15g, mạch đông 15g, cát cánh 3g, mật ong 30ml. Đem 4 dược liệu nấu lấy nước, hoà với mật ong, uống trong ngày thay nước trà. Dùng cho các trường hợp cảm mạo do táo nhiệt vào mùa thu khô hanh (sốt nóng, khô miệng, khát nước…).
+ Cháo cúc hoa, mẫu đơn bì, ý dĩ: Cúc hoa 30g, mẫu đơn bì 15g, ý dĩ nhân 30g. Đem cúc hoa và mẫu đơn nấu lấy nước, dùng nước này nấu với ý dĩ thành cháo. Chia làm 2 lần, ăn trong ngày (sáng, chiều). Dùng mỗi đợt 3 – 5 ngày, áp dụng các trường hợp mụn nhọt, lở ngứa.
+ Cháo cúc hoa, thạch thảo quyết minh: Cúc hoa 6g, thảo quyết minh 10g, thạch quyết minh 10g, gạo tẻ 60g. Đem thạch quyết minh đun trước 30 phút, cho các dược liệu vào, sắc lấy nước, lấy nước sắc nấu với gạo tẻ thành cháo. Ngày 1 lần, đợt dùng 7 – 10 ngày. Dùng cho các trường hợp đau nhức đầu, đau dây thần kinh tam thoa (dây thần kinh V), ù tai, hoa mắt, chóng mặt.
+ Nước chè hoa cúc (cúc hoa trà): Cúc hoa 6g, hoàng cầm 2g, trà xanh 3g, cho nước sôi hãm uống như nước chè. Đợt dùng 3 – 5 ngày. Dùng cho các trường hợp ù tai, điếc tai cấp tính do phong tà hoặc do can hoả vượng, can dương thịnh, hoặc do khí trệ huyết ứ gây ra.
Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn kiêng dùng.
======
BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY