Rau đắng biển ( Bacopa mon – nieri) còn có tên gọi khác là rau sam trắng, thuộc họ Hoa mõm chó – Scrophulariaceae được biết đến không chỉ là một loại rau ăn phổ biến ở khu vực miền Trung, Nam Bộ mà còn là một loại thuốc phổ biến không những ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều nước trên thế giới. Mặc dù mang tên là rau Đắng biển nhưng loại thực vật này không sống ở biển mà chúng chỉ mọc phổ biến ở bờ ruộng bãi song, bờ kênh mương…ở vùng đồng bằng, trung du từ miền Bắc đến miền Nam Việt Nam. Rau đắng biển còn phân bổ rộng rãi ở khu vực Trung và Nam Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và các nước khác trong khu vực Đông Nam châu Á.

Đây là loại cây thân thảo sống quanh năm, tái sinh chủ yếu từ hạt. Cây còn có khả năng mọc chồi khỏe từ kẽ lá, kể cả phần còn sót lại sau khi đã cắt. Do vậy cây còn được coi là loại cỏ dại, ảnh hưởng đến cây trồng. Thân cây nhẵn, phần than trên mặt đất mọc thẳng. Lá mọc đối, mọng nước hình trái xoan. Hoa màu trắng, mọc riêng lẻ ở nách lá. Quả nang, hình trứng, có nhiều hạt nhỏ.

Theo y học cổ truyền, phần trên mặt đất của rau đắng biển có vị đắng, tính mát, có tacsg dụng kích thích thần kinh, trợ tim, thanh nhiệt , giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng, nhuận tràng, được dùng để chữa suy nhược thần kinh, động kinh, thao cuồng. Y học cổ truyền Ấn Độ đã sử dụng rau đắng biển cách đây 3000 năm để giúp cải thiên trí nhớ, giảm mệt mỏi, phòng và điều trị bệnh suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi.

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới và trong nước nghiên cứu về thành phần hóa học và chứng minh công dụng của rau đắng biển. Thành phần hóa học được cho là đóng vai trò quan trọng nhất là các Saponon trong đó phải kể đến là Bacosid A và Bacosid B, Bacopasid I, Bacopasid II, Bacopasapo-nin C…Bacosid A thực chất là một hỗn hợp của bacosid A3, Bacopasid II, Baco-pasaponin C và đồng phân jujubogenin của Bacopasaponin C. Bacosid B là hỗn hợp của saponin có aglycon là các jujubogenin hoặc pseudojujubogenin như: bacopasid N1, bacopasid N2, bacopasid IV, bacopasid V.

Cao chiết của rau đắng biển và các hoạt chất kể trên của nó có có tác dụng tốt đối với những bệnh rối loạn tâm thần trên các mô hình động vật thực nghiệm. Tác dụng giải lo âu, chống trầm cảm của rau đắng biển đã được chứng minh bằng thử nghiệm chuột bơi cưỡng bức và nghiệm pháp treo đuôi chuột. Cao chiết nước rau đắng biển hoặc Bacosid A có tác dụng ngăn ngừa cơn động kinh trên chuột cống trắng, bằng cách hạn chế sự suy giảm thụ thể GABA và điều hòa thu thể Serotoin 2C trong não chuột cống bị động kinh. Đặc biệt, có rất nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã chững minh rau đắng biển có tác dụng cải thiện suy giảm trí nhớ, nhận thức bằng các mô hình suy giảm trí nhớ trên chuột gây bởi ion Ethylcholin aziridinium, colchicine, ALCL3 và trên chuột chuyển gen mang bệnh Alzheimer (chuột PSAPP). Cao chiết rau đắng biển và Bacosid-A, -B tác động đến vùng hải mã, vùng vỏ não và vùng dưới đồi, dẫn đến tăng hoạt tính protein. Cao chiết này còn có tác dụng làm giảm mức độ Beta-amyloid trong não của chuột PSAPP (tích tụ beta-amyloid được cho là bệnh sinh học bệnh Alzheimer). Điều này gợi ý rằng hoạt chất Bacosid có tác dụng cải thiện dẫn truyền thần kinh, thông qua sự phục hồi Synap thần kinh.

Ở Việt Nam, cây rau đắng biển cũng đã được nghiên cứu rất kỹ về tác dụng ngăn chặn/cải thiên suy giảm trí nhớ và cơ chế tác dụng của nó. Nhóm nghiên cứu của PGS.TS.Nguyễn Thị Thu Hương (Viện Dược Liệu) đã chứng minh loài thực vaath này có tác dụng chống oxi hóa in vitro, chống stress, cải thiện khả năng học tập bị gây giảm trí nhớ bằng Scopolamine. Nhóm nghiên cứu của TS.Phạm Thị Nguyệt Hằng (Viện Dược Liệu) cùng với GS.Kinzo Matsumoto (Đại học Toyama, Nhật Bản) đã chứng minh rau đắng biển có tác dụng ngăn chặn/điều trị suy giảm trí nhớ/nhận thức trên mô hình chuột bị bệnh Alzheimer thông qua cơ chế bảo vệ hệ Cholinergic khỏi tổn thương do chết tế bào thần kinh trên chuột Alzheimer và theo con đường tín hiệu liên quan đến tính mềm dẻo của Synaptic.

Những kết quả nghiên cứu kể trên đã cho thất rau đắng biển là một loại thực vật quý để điều trị những bệnh rối loạn tâm thần. Do vậy việc nghiên cứu bền vững, phát triển vùng trồng và phát triển các sản phẩm thuốc từ nguồn gốc dược liệu rau đắng biển đang là thách thức đối với các nhà khoa học Y – Dược học Việt Nam.

Nguồn: Sưu tầm